Bối cảnh sáng tác và thu âm ca khúc Đất nước trọn niềm vui

Vào thời điểm chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, nhạc sĩ Hoàng Hà đang có công tác ở Phòng nhạc thiếu nhi tại Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhờ đó, ông được tiếp xúc với những thông tin nóng nhất về tình hình chiến sự tại Miền Nam. Trong những ngày mà khả năng chiến thắng cuối cùng đã hiện rõ, đặc biệt từ 1 tháng 4 năm 1975, ông đã viết hàng chục ca khúc đã được phát đi trên 2 làn sóng của Đài Tiếng nói Việt NamĐài Phát thanh Giải phóng như Sục sôi cách mạng, Hát trên đường phố giải phóng, Hội toàn thắng... Khi có thông tin nhanh rằng các đơn vị Quân Giải phóng miền Nam sau khi giải phóng liên tục các tỉnh Nam Trung bộ đang tiến đến gần Nha Trang thì ca khúc "Chào Nha Trang giải phóng" đã ra đời mà sau này đã được lấy làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa.

"Thật là một thời điểm kỳ lạ, mà suốt cuộc đời sáng tác của tôi chưa bao giờ làm được. Chính là các chiến công thần kỳ của quân và dân ta năm ấy đã làm cho mỗi người đều cảm thấy mình như lớn lên, tìm được những cảm xúc mạnh mẽ chưa từng thấy."
— Nhạc sĩ Hoàng Hà[1]

Ngày 26 tháng 4 năm 1975, Đài Tiếng nói Việt Nam phát tuyên bố về việc Quân Giải phóng miền Nam đang ồ ạt tiến về Sài Gòn. Trong thời điển chiến thắng cận kề, ngay trong đêm đó, nhạc sĩ Hoàng Hà đã viết bài Đất nước trọn niềm vui.

"Tôi viết Đất nước trọn niềm vui trong đúng một đêm (26/4/1975) tại căn nhà ở Yên Phụ, gần Hồ Tây, Hà Nội. Khi ấy, cảm xúc cao trào, bỗng bật ra giọng Đồng Tháp của chị văn công giải phóng năm nào cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng ngày hoàn toàn giải phóng!".
— Nhạc sĩ Hoàng Hà

Sau khi viết xong, ông cùng con trai lớn của mình, NSƯT Hoàng Lương, hát say sưa suốt đêm. Sáng hôm sau, tức ngày 27 tháng 4 năm 1975, ông đem bài hát thông qua Ban biên tập Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Bấy giờ phụ trách Tổ biên tập Nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam là nhạc sĩ Nguyễn An đã đọc và ký duyệt ngay bài hát, rồi giao cho Nhà hát Giao hưởng dàn dựng để thu âm. Nghệ sĩ Trung Kiên là người được chọn đển thu âm bản ghi đầu tiên này.

"Nhạc sĩ Nguyễn An lúc đó là Tổ trưởng tổ Biên tập nhạc đọc và duyệt, rồi giao ngay cho nhà hát Giao hưởng. Anh Trung Kiên nhận bài xem ngay tại chỗ, còn anh Đỗ Dũng thì kê tập giấy nhạc lên mặt trống Tem-ban phối khí ngay trong phòng thu, các anh chị trong tốp nhạc xúm lại chép liền. Tôi dự buổi thu thanh, nghe mà cảm phục anh Trung Kiên sao lại có sự đồng cảm đến thế. Giọng hát của anh đã thực sự chắp cánh cho bài hát của tôi bay lên, hoàn toàn như tôi đã tưởng tượng một ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đất nước thống nhất"
— Nhạc sĩ Hoàng Hà

Liên quan